Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2016

Tình huống kế toán thuế 06/2016 – có đáp án


Tình huống kế toán thuế 06/2016 – có đáp án. Bài viết dưới đây chia sẻ các tình huống mà kế toán thuế thường gặp. Các bạn cùng tham khảo nhé.

Câu hỏi 1:  Các khoản chi phí điện, nước Công ty chi trả nhưng hóa đơn lại mang tên cá nhân thì có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?
Trả lời:
Tại điểm 15, khoản 2, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính có quy định khoản chi trả tiền điện, tiền nước đối với những hợp đồng điện nước do chủ sở hữu là cá nhân cho thuê địa điểm sản xuất, kinh doanh ký trực tiếp với đơn vị cung cấp điện, nước. Nếu Công ty bạn có chứng từ thanh toán cho cá nhân phù hợp với số lượng điện, nước thực tế tiêu thụ và hợp đồng thuê thì được chấp nhận vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Câu hỏi 2: Chi phụ cấp cho người lao động đi công tác được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không?
Trả lời:
Căn cứ điểm 9, khoản 2, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì các khoản chi phụ cấp cho người lao động đi công tác, chi phí đi lại và tiền thuê chỗ ở cho người lao động đi công tác nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Hoặc nếu Công ty chi khoán các khoản chi này theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của Công ty thì được tính vào chi phí được trừ. Trường hợp phát sinh chi phí từ 20 triệu đồng trở lên, muốn được tính vào chi phí được trừ phải đáp ứng đủ điều kiện: Có hóa đơn, chứng từ phù hợp do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ giao; thanh toán không dùng tiền mặt; Công ty có quyết định hoặc văn bản cử người lao động đi công tác.
                                                                                                                                            

Câu hỏi 3: Khi ra nước ngoài định cư, vợ chồng anh trai tôi có để lại cho tôi căn nhà của anh chị và khi làm thủ tục sang tên, tôi được yêu cầu phải nộp thuế thu nhập cá nhân mà không được miễn theo quy định thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa anh chị em ruột với nhau. Như vậy có đúng không?
Trả lời:
Tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư số 111 của Bộ Tài chính có quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế gồm thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu, cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
Như vậy, nếu vợ chồng anh trai bạn là người sở hữu quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất khi tặng cho bạn là em ruột, thì chỉ được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với phần sở hữu của anh trai bạn tặng cho bạn. Phần sở hữu của vợ anh trai bạn cho bạn thì không được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Câu hỏi 4: Tháng 10 năm 2015 Công ty tôi mua hàng đã có hóa đơn và giá trị ghi trên hóa đơn là 50 triệu đồng nhưng chưa thanh toán do chưa đến thời hạn. Công ty đã tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế năm 2015. Đến tháng 1 năm 2016 Công ty đã thanh toán số tiền của hóa đơn trên bằng tiền mặt. Hỏi Công ty tôi có phải kê khai điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hoá này không vì khoản này đã được tính vào chi phí năm 2015 rồi?
Trả lời:
Căn cứ khoản 1, Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ từng lần có giá trị từ hai mươi triệu đồng trở lên ghi trên hóa đơn mà đến thời điểm ghi nhận chi phí, doanh nghiệp chưa thanh toán thì doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Trường hợp khi thanh toán doanh nghiệp không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp phải kê khai, điều chỉnh giảm chi phí đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh việc thanh toán bằng tiền mặt.

Câu hỏi 5: Các khoản chi thường xuyên như chi phí thuê văn phòng, chi phí điện, nước, nhân công…có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không?
Trả lời:
Căn cứ điểm 31, khoản 2, Điều 4, Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính có quy định, khi bắt đầu hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chưa phát sinh doanh thu nhưng có phát sinh các khoản chi thường xuyên để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nếu các khoản chi này đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Câu hỏi 6: Khi có quyết định thu hồi đất để xây dựng khu đô thị mới thì chủ đầu tư có bồi thường cho gia đình tôi 1 khoản tiền hơn 1 tỷ. Vậy khoản tiền này gia đình tôi có phải nộp thuế thu nhập cá nhân không?

Trả lời:
Tại điểm n, khoản 1, Điều 3 Thông tư 111 quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế như sau:
“Thu nhập từ bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là tiền bồi thường, hỗ trợ do Nhà nước thu hồi đất, kể cả các khoản thu nhập do các tổ chức kinh tế bồi thường, hỗ trợ khi thực hiện thu hồi đất theo quy định. Căn cứ để xác định thu nhập từ bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc thu hồi đất, bồi thường tái định cư và chứng từ chi tiền bồi thường.”

Câu hỏi 7: Công ty tôi có chi tiền phụ cấp ăn trưa, ăn giữa ca cho nhân viên. Vậy khoản tiền chi phụ cấp này có phải tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của nhân viên không?
Trả lời:
Căn cứ điểm g, Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111 của Bộ Tài chính quy định về các khoản thu nhập chịu thuế thì:
“Trường hợp người sử dụng lao động không tổ chức bữa ăn giữa ca, ăn trưa mà chi tiền cho người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân nếu mức chi phù hợp với hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường hợp mức chi cao hơn mức hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì phần chi vượt mức phải tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân’’

Câu hỏi 8: Tôi ký hợp đồng lao động dài hạn tại một Công ty, có thu nhập hàng tháng từ tiền lương tại công ty này; ngoài ra tôi còn có thêm khoản thu nhập cho thuê nhà với số tiền 10 triệu đồng 1 tháng, đã nộp thuế tại cơ quan thuế nơi có nhà cho thuê. Xin hỏi tôi có được uỷ quyền cho Công ty tôi quyết toán thuế TNCN không?
Trả lời:
Tại điểm c, khoản 2, điều 26 Thông tư số 111 của Bộ Tài chính có quy định về các trường hợp cá nhân được uỷ quyền quyết toán; trong đó có quy định cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên tại một đơn vị và có thêm thu nhập khác từ cho thuê nhà với mức doanh thu bình quân tháng trong năm không quá 20 triệu đồng, đã nộp thuế TNCN cho doanh thu cho thuê nhà, nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Câu hỏi 9: Công ty tôi có chi một khoản tiền để nộp quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động. Xin hỏi khoản chi này có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế không?
Trả lời:
Căn cứ điểm 11, khoản 2, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính thì Công ty được tính vào chi phí được trừ khoản nộp quỹ hưu trí tự nguyện cho người lao động với mức 01 triệu đồng một người một tháng. Tuy nhiên, khoản chi này phải được ghi cụ thể điều kiện hưởng và mức hưởng tại Hợp đồng lao động, hoặc Thoả ước lao động tập thể, hoặc Quy chế tài chính của Công ty. Đồng thời nếu Công ty không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về bảo hiểm bắt buộc cho người lao động thì Công ty không được tính vào chi phí đối với các khoản chi cho chương trình tự nguyện nêu trên, kể cả trường hợp nợ tiền bảo hiểm bắt buộc.

Câu hỏi 10: Phát hiện hoá đơn có sai sót về số lượng hàng hoá và số tiền thuế GTGT. Phải làm những thủ tục gì để xử lý sai sót trên?
Trả lời:
Tại khoản 3, Điều 20 VBHN 16 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về việc xử lý đối với hoá đơn đã lập và giao cho người mua, hàng hóa đã giao cho bên mua, hai bên đã kê khai thuế, sau đó phát hiện sai sót thì người bán và người mua phải lập biên bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản ghi rõ sai sót, đồng thời người bán lập hóa đơn điều chỉnh sai sót. Hóa đơn ghi rõ điều chỉnh tăng hoặc giảm số lượng hàng hóa, giá bán, thuế suất thuế giá trị gia tăng…, tiền thuế giá trị gia tăng cho hóa đơn số, ký hiệu. Hóa đơn điều chỉnh không được ghi số âm. Căn cứ vào hóa đơn điều chỉnh, người bán và người mua kê khai điều chỉnh doanh số mua, bán, thuế đầu ra, đầu vào.

Câu hỏi 11: Công ty tôi mới thành lập tháng 5 năm 2016, được cơ quan thuế chấp thuận nộp thuế theo phương pháp khấu trừ và sử dụng hoá đơn đặt in. Do chưa phát sinh doanh thu nên Công ty tôi chưa sử dụng đến hoá đơn. Công ty tôi có phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn không và thời hạn nộp là khi nào?

Trả lời:
Theo quy định tại Điều 27 VBHN 16 năm 2015 của Bộ Tài chính thì hàng quý các doanh nghiệp có trách nhiệm nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp, kể cả trường hợp trong kỳ không sử dụng hóa đơn. Thời hạn nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn quý I chậm nhất là ngày 30/4; quý II nộp chậm nhất là ngày 30/7, quý III nộp chậm nhất là ngày 30/10 và quý IV nộp chậm nhất là ngày 30/01 của năm sau. Trường hợp trong kỳ không sử dụng hóa đơn, tại Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn ghi số lượng hóa đơn sử dụng bằng không.

Câu hỏi 12: Một số khoản chi có tính chất phúc lợi cho người lao động như hiếu, hỷ, chi cho người lao động đi nghỉ mát… Vậy các khoản chi này có được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không?
Trả lời:

Căn cứ điểm 30, khoản 2, Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC của Bộ Tài thì các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động như: chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị; chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tại cơ sở đào tạo; chi hỗ trợ gia đình người lao động bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa, tai nạn, ốm đau; chi khen thưởng con của người lao động có thành tích tốt trong học tập; chi hỗ trợ chi phí đi lại ngày lễ, tết cho người lao động…. được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên tổng số chi có tính chất phúc lợi nêu trên không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
                                                                                                                                             _Sưu tầm_

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét