Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Ai có quyền sử dụng đất thì có tên trong sổ đỏ

Ai có quyền sử dụng đất thì có tên trong sổ đỏ

Ông Mai Văn Phấn, phó cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai) trao đổi với Tuổi Trẻ về những điểm mới trong thông tư 33 của Bộ Tài nguyên môi trường liên quan đến cấp sổ đỏ, áp dụng từ ngày 5-12.


* Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên môi trường quy định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất. Quy định này hiểu thế nào cho chính xác, thưa ông?
Đây là điểm mới trong quy định của Luật đất đai, nhằm đảm bảo quyền lợi cho từng cá nhân trong hộ gia đình nếu người đó có quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.
Theo quy định, với những trường hợp Nhà nước giao đất cho các hộ gia đình không thu tiền như giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cho các thành viên trong hộ gia đình thì đó là tài sản chung của hộ gia đình.
Tuy nhiên, khi cấp sổ đỏ theo quy định trước đây thì chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình trên sổ đỏ. Ví dụ như một gia đình có bốn người được giao đất sản xuất nông nghiệp, tức là cả bốn người đều có quyền sử dụng đất bình đẳng, nhưng trên sổ đỏ ngày trước chỉ ghi tên mỗi chủ hộ, còn những người khác không có tên.
Việc này dẫn tới một thực tế là những người có quyền sử dụng đất đã được Nhà nước giao nhưng không được pháp luật công nhận có quyền trên sổ đỏ.
Vì vậy, Luật Đất đai 2013 mới quy định thành viên nào trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất cũng đều được ghi tên trên sổ đỏ để bảo đảm quyền cho các thành viên.

* Thực tế đã có những vướng mắc nào để quyết định phải ghi tên đầy đủ các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong sổ đỏ, thưa ông?

Việc chỉ ghi tên chủ hộ trên sổ đỏ đối với hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất theo quy định cũ có vướng mắc và bất cập. Thời gian qua đã có nhiều trường hợp khiếu nại xảy ra.
Ví dụ như khi giao đất nông nghiệp cho các thành viên trong hộ gia đình, trên sổ đỏ trước đây chỉ ghi hộ ông (hoặc hộ bà) nên có chuyện bố mẹ đứng tên trên sổ đỏ có cả quyền sử dụng đất của con nhưng lại tự ý chuyển nhượng cả quyền sử dụng đất của con cho doanh nghiệp.
Các cơ quan nhà nước, cơ quan công chứng cũng căn cứ vào tên trên sổ đỏ để làm thủ tục cho bố mẹ chuyển nhượng đất, nhưng sau đó mới phát sinh chuyện các con của những người này - những người được Nhà nước giao đất nông nghiệp - đòi lại quyền sử dụng đất của mình dẫn tới khiếu nại.

* Ngoài đất nông nghiệp do Nhà nước giao cho các hộ sản xuất, với các loại đất khác, việc quy định ghi tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất có phải là ghi tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu?
Hiểu như vậy là không chính xác. Thực tế không phải tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu đều là người có quyền sử dụng đất.
Ví dụ trong gia đình có bốn người nhưng chỉ có một người là đối tượng được giao đất sản xuất nông nghiệp nên khi cấp sổ đỏ chỉ ghi tên người được giao đất, không ghi tên những người khác trong hộ gia đình.

* Những trường hợp mua bán nhà đất lâu nay chỉ ghi tên vợ chồng trên sổ đỏ mà không ghi tên con. Theo quy định mới, những trường hợp này tới đây sẽ được ghi như thế nào?

Đây là những trường hợp tạo lập tài sản riêng của vợ và chồng, không phải trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền cho các hộ gia đình, nên vẫn giữ nguyên quy định ghi tên vợ và tên chồng trên sổ đỏ, không phải ghi tên các con, kể cả các con trong cùng hộ khẩu.

                                                                                                                  Nguồn: Báo tuổi trẻ Online

Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

Phát sợ trước lời tiết lộ của người giúp việc tại nhà hàng lẩu


Lẩu là món ăn yêu thích của nhiều thực khách vào mùa đông. Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều quán lẩu, người bán hàng không dùng xương, thịt để ninh lấy nước dùng mà chỉ cần cho vào một thìa hoặc một viên hóa chất là đã có ngay những nồi nước dùng bắt mùi vị.



Trăm nổi lẩu một ngày nhưng không thấy ninh xương

Chị Ngô Thị Hương, trú tại Giang Biên, Long Biên, Hà Nội, cho biết cách đây khoảng gần 2 tháng, chị làm thuê công việc rửa bát tại một quán lẩu gần nhà. Điều mà chị thắc mắc nhất khi làm việc ở đây là hàng ngày, quán rất đông khách, một buổi có khi cả vài chục bàn khách ngồi ăn lẩu nhưng lại không hề thấy đầu bếp của quán ninh xương. Bản thân chị thường được chủ giao đi đổ rác cũng chưa bao giờ nhìn thấy miếng xương nào giống kiểu người ta hay dùng để ninh lấy nước ăn lẩu.

“Suốt thời gian làm việc tại đây nhưng tôi không hề nhìn thấy đầu bếp nhà hàng ninh xương để lấy nước dùng. Tôi làm công việc rửa bát gần khu bếp nhưng cứ lần nào “bén mảng” đến cửa bếp là bị chủ quán đuổi ra khiến tôi rất tò mò, không hiểu sao lại bị “khắt khe” thế.

Chỉ biết, mỗi lần có khách gọi lẩu, đầu bếp lại cầm một cốc nước khi thì sánh vàng, khi thì đỏ choét, đổ vào nồi rồi mang ra xả thêm nước lã ở vòi xong mới bê ra cho khách”, chị Hương chia sẻ.

Không những nước lẩu mà món rau của nhà hàng này cũng mất vệ sinh từ khâu rửa ráy. Chị Hương cho biết, công việc của chị là rửa bát. Nhiều hôm sau khi rửa bát đĩa xong xuôi, chị thấy rau của nhà hàng chưa rửa bèn định mang đi rửa thì đầu bếp “chặn” lại: “Cô không phải rửa đâu, cứ để đấy, tí có khách gọi cháu rửa cũng được”.

Tưởng là nhà hàng phân công công việc rõ ràng nhưng hóa ra, một lúc sau, đầu bếp chỉ vào một chậu nước vẫn còn lớp bọt trắng nổi lềnh bềnh trên mặt mà chị Hương vừa dùng rửa bát và hỏi: “Nước này cô còn dùng nữa không?”.

Thấy chị Hương lắc đầu, đầu bếp liền nhúng rau vào đó rồi ném vào chảo xào, không cần rửa lại. Không hiểu người ăn phải đĩa rau xào này có cảm thấy ngon không. Chỉ biết rằng rau đó dính không ít bọt từ dầu rửa bát vốn chứa chất tẩy rửa.

Chất gây ung thư

Thực tế, để có thể đáp ứng được nhu cầu của thực khách nhanh, đồng thời có được siêu lợi nhuận từ những nồi lẩu giá rẻ, nhiều quán ăn, nhà hàng thường sử dụng gia vị và hóa chất làm tăng hương vị cho nước lẩu.
Các loại gia vị lẩu này thường chứa chất hóa học độc hại như NO2, HCHO, ethyl maltol, propanediol,… gây nguy hiểm cho sức khỏe. Trong đó, NO2, HCHO thường có màu nâu đỏ và được dùng để tạo màu cho nước lẩu và làm tăng vị ngọt đậm đà, thơm dậy mùi cho nước dùng.

Đây là hai chất cực độc gây ức chế khả năng tiếp nhận và cung cấp oxy của cơ thể, tác động lên hồng cầu gây ra bệnh thiếu máu nếu ăn thường xuyên. Ngoài ra, nó còn có tác động xấu đến phổi và làm suy yếu chức năng hô hấp, gây bệnh hen suyễn.

Bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP.HCM) cho biết NO2 là chất độc, còn HCHO là loại fooc –môn ướp xác cấm dùng trong thực phẩm. Nó được tổ chức nghiên cứu về ung thư thế giới xếp vào nhóm nguy hiểm nếu con người tiếp xúc bằng đường ăn uống, chưa biết ung thư gì nhưng sẽ gây ung thư. Chất độc tố này cấp tính, có thể khiến chết người.

Lẩu là món ăn tốt cho sức khỏe khi có sự cân bằng dinh dưỡng giữa nhiều loại đồ ăn. Tuy nhiên, nếu sử dụng lẩu có hóa chất sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Chính vì vậy, người dân muốn được ăn lẩu ngon, nước dùng nguyên chất và đảm bảo vệ sinh thì nên chế biến tại nhà thay vì đi ăn ngoài để rước họa vào thân.



Cách phân biệt nước lẩu nguyên chất và nước lẩu pha chất hóa học:

Nước lẩu pha chất hóa học: Có hương thơm ngào ngạt; màu sắc bắt mắt, có màu đỏ hồng hoặc vàng cam. Nếu nước lẩu màu hồng nhạt, cay xè kích thích và có vị ngọt đậm thì chắc chắn đó là sản phẩm của công nghệ gia vị tạo ngọt tạo cay và màu hóa học.

Nước lẩu nguyên chất: Có mùi thanh nhẹ, nước trong, có váng mỡ nổi lên. Nước lẩu thông thường sẽ có vị thơm, ngọt thanh đạm của nước hầm xương và rau củ. Nếu cay cũng là vị cay dễ chịu, cay mượt chứ không kích thích như các loại sa tế hóa học.

                                                                                                                           _Sưu tầm_

Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

Chính phủ chấp thuận bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân

Chính phủ chấp thuận
bỏ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân

Nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý cư trú thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Công an ban hành mới đây quyết định sẽ bãi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú trong quản lý cư trú.


Ngày 30/10/2017, Chính phủ ban hành Nghị quyết 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an.
Theo đó, Chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu phương án quản lý cư trú thông qua mã số định danh thay vì sổ hộ khẩu, trong đó nêu phương án đơn giản bãi bỏ một số thủ tục liên quan đăng ký thường trú.
Cụ thể, với nhóm thủ tục Đăng ký thường trú (tại cấp huyện, cấp xã) sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là "sổ hộ khẩu" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú. Bỏ "giấy chuyển hộ khẩu", ban hành kèm theo Thông tư số 36/2014 của Bộ Công an; bỏ giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh với trẻ em đăng ký thường trú.
Bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng "sổ tạm trú" và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là "sổ tạm trú" và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú.
Các nhóm thủ tục sẽ bãi bỏ gồm: Tách sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); cấp đổi sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); cấp lại sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); xóa đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); xác nhận việc trước đây đã đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú trái pháp luật (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); cấp giấy chuyển hộ khẩu (thực hiện tại cấp huyện, cấp xã); cấp đổi sổ tạm trú tại công an cấp xã; cấp lại sổ tạm trú tại công an cấp xã;điều chỉnh những thay đổi trong sổ tạm trú tại công an cấp xã; gia hạn tạm trú tại công an cấp xã; hủy bỏ đăng ký tạm trú trái pháp luật tại công an cấp xã.
Căn cứ vào phương án trên, Thủ tướng giao Bộ Công an trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

                                                                                                                       _Theo Tiền Phong_