Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

THÔNG TIN THI VÀO 10 – THÀNH PHỐ HÀ NỘI


I. LỊCH THI TUYỂN SINH VÀO 10 NĂM HỌC 2017 – 2018

👉 Thời gian thi THPT không chuyên: Ngày 9/6/ 2017

– Buổi sáng: Ngữ văn
– Buổi chiều: Toán

👉 Thời gian thi vào THPT chuyên: Ngày 10 – 11/6/2017

Học sinh có nguyện vọng thi vào lớp chuyên của 4 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây thi thêm môn ngoại ngữ và các môn chuyên vào ngày 10 và 11/6/2017


II. CÁCH TÍNH ĐIỂM VÀO 10 CỦA CÁC TRƯỜNG CÔNG LẬP

👉 Hệ thống THPT không chuyên

Điểm Xét tuyển = Điểm THCS + Điểm thi (đã tính hệ số 2) + Điểm cộng thêm

Trong đó, điểm THCS là tổng số điểm tính theo kết quả học tập và rèn luyện của 4 năm học cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.
* Điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học ở cấp THCS của học sinh được tính như sau:
– Hạnh kiểm tốt và học lực giỏi: 5 điểm;
– Hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá: 4,5 điểm;
– Hạnh kiểm khá và học lực khá: 4 điểm;
– Hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình: 3,5 điểm;
– Hạnh kiểm khá và học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá: 3 điểm;
– Trường hợp còn lại: 2,5 điểm.
* Điểm thi là tổng điểm hai bài thi Ngữ văn và Toán (đã nhân hệ số 2), chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25.
* Chỉ đưa vào diện xét tuyển những học sinh không vi phạm Quy chế trong kỳ thi tuyển sinh và không có bài thi nào bị điểm 0.
* Điểm cộng thêm (chế độ ưu tiên, khuyến khích)
– Chế độ ưu tiên:
+ Cộng 3 điểm cho một trong các đối tượng: con liệt sĩ; con thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động từ 81% trở lên; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”;
+ Cộng 2 điểm cho một trong các đối tượng: con Anh hùng lực lượng vũ trang, con Anh hùng lao động; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con thương binh, bệnh binh có tỷ lệ mất sức lao động duới 81%; con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”;
+ Cộng 1 điểm cho một trong các đối tượng: người có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số; người dân tộc thiểu số; người đang sinh sống, học tập ở các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
– Chế độ khuyến khích:
+ Đạt giải cá nhân trong kỳ thi học sinh giỏi các bộ môn văn hóa:
Giải nhất cấp tỉnh: cộng 2 điểm;
Giải nhì cấp tỉnh: cộng 1,5 điểm;
Giải ba cấp tỉnh: cộng 1,0 điểm;
+ Đạt giải cá nhân hoặc đồng đội do ngành giáo dục và đào tạo tổ chức hoặc phối hợp với các ngành từ cấp tỉnh trở lên tổ chức ở cấp THCS trong các kỳ thi văn nghệ; thể dục thể thao; hội thao giáo dục quốc phòng; thi vẽ; thi viết thư quốc tế; thi giải toán trên máy tính cầm tay; thi thí nghiệm thực hành một trong các bộ môn vật lý, hóa học, sinh học; thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; thi vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn; thi giải Toán bằng tiếng Anh (HOMC); thi giải Toán qua Internet, thi Olympic Tiếng Anh; thi học sinh giỏi môn kỹ thuật.
+ Đạt giải nhất, nhì, ba quốc gia hoặc giải nhất cấp tỉnh hoặc huy chương vàng: cộng 2 điểm;
+ Đạt giải khuyến khích quốc gia hoặc giải nhì cấp tỉnh hoặc huy chương bạc: cộng 1,5 điểm;
+ Đạt giải ba cấp tỉnh hoặc huy chương đồng: cộng 1 điểm;
+ Giải đồng đội (hội thao giáo dục quốc phòng, bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cầu mây, điền kinh, tốp ca, song ca…): Chỉ cộng điểm đối với giải quốc gia; số lượng cầu thủ, vận động viên, diễn viên của giải đồng đội từ 2 đến 22 người theo quy định cụ thể của Ban tổ chức từng giải; Mức điểm khuyến khích được cộng cho các cá nhân trong giải đồng đội được thực hiện như đối với giải cá nhân.
– Chế độ cộng điểm nghề: Học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức ở cấp THCS:
+ Loại giỏi: cộng 1,5 điểm;
+ Loại khá: cộng 1 điểm;
+ Loại trung bình: cộng 0,5 điểm;
* Lưu ý:
– Những học sinh đạt nhiều giải khác nhau trong các cuộc thi chỉ được hưởng một mức cộng điểm của loại giải cao nhất. Điểm cộng thêm cho các đối tượng ưu tiên, khuyến khích tối đa không quá 6 điểm.
– Khi xét trúng tuyển lấy lần lượt theo thứ tự điểm xét tuyển từ cao nhất trở xuống cho đến khi đủ chỉ tiêu được giao cho từng trường. Điểm thấp nhất cho học sinh trúng tuyển vào trường gọi là điểm chuẩn của trường.

👉  Cách tính điểm vào 10 của các trường chuyên Hà Nội

Cách tính điểm vào lớp 10 THPT chuyên: Toán hệ số 1 + Văn hệ số 1 + Anh hệ số 1 + môn chuyên hệ số 2.
– Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam có 12 lớp chuyên: Toán, Tin học, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung;
– Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có 11 lớp chuyên: Toán, Tin học, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga;
– Trường THPT Chu Văn An có 10 lớp chuyên: Toán, Tin học, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Pháp;
– Trường THPT Sơn Tây có 9 lớp chuyên: Toán, Tin học, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh.

III. CHẾ ĐỘ TUYỂN THẲNG

– Cụ thể, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT của trường phổ thông dân tộc nội trú; Học sinh là người dân tộc ít người (thuộc một trong các dân tộc sau: La Ha, La Hù, Pà Thèn, Chứt, Lự, Lô Mô, Màng, Cống, Cờ Lao, Bố Y, Ngái, Si La, Pù Péo, Brâu, Rơ Măm, Ơ Đu); Học sinh khuyết tật (là học sinh bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn).

– Học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học, cụ thể như sau: Học sinh đạt giải quốc gia trở lên về văn hóa, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc Bộ GD-ĐT phối hợp tổ chức với các ngành chuyên môn, bao gồm: Hội thi khoa học kỹ thuật (Intel VISEF và Intel ISEF) dành cho học sinh trung học; Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc; Cuộc thi viết thư quốc tế (UPU); Thi thí nghiệm thực hành (một trong các bộ môn vật lí, hóa học, sinh học); Thi vận dụng kiến thức giải quyết tình huống thực tiễn.
Học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn nghệ, thể dục thể thao do Bộ GD-ĐT tổ chức hoặc Bộ GD-ĐT phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức.
– Điều kiện để được tuyển thẳng: Học sinh hoặc bố, mẹ học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội; Học sinh được tuyển thẳng vào các trường THPT trong khu vực tuyển sinh nơi học sinh hoặc bố, mẹ học sinh đăng ký hộ khẩu thường trú, hoặc nơi cư trú thực tế của học sinh; Mỗi học sinh trong diện tuyển thẳng chỉ được đăng ký tuyển thẳng vào một trường THPT công lập.
– Đối với học sinh đủ điều kiện mà không có nguyện vọng tuyển thẳng thì phải tham gia thi tuyển, học sinh được cộng điểm khuyến khích theo quy định.
– Hồ sơ tuyển thẳng bao gồm: Phiếu đăng ký tuyển thẳng vào lớp 10 THPT (theo mẫu); Bản sao giấy khai sinh; Bằng tốt nghiệp THCS hoặc bổ túc THCS, hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời do trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm GDTX cấp; Bản chính học bạ; Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ: giấy chứng nhận đạt giải môn hoặc lĩnh vực dự thi, Giấy chứng nhận người khuyết tật; Giấy xác nhận chế độ ưu tiên, khuyến khích do cơ quan có thẩm quyền cấp; giấy cho phép được học vượt lớp, vào học sớm hoặc muộn so với quy định chung ở cấp học dưới.